0905 777 197

Bí đỏ là cây trồng phổ biến ở nước ta từ miền núi đến trung du đồng bằng, để làm rau ăn: lá bánh tẻ, ngọn lá non, nụ hoa đực, quả xanh. Quả chín, và nhân hạt còn dùng làm thuốc.

Ngày đăng 28-06-2019

Bí đỏ còn có tên khác là: Bí ngô, bí rợ, bí thơm, bí ử, bí sáp.

Tên khoa học: Bí đỏ có khoảng 25 loài, mỗi loài có tên khoa học khác nhau. Ở Việt Nam thường thấy có 3 loài là: Cucurbita pepo L -Cucurbita moschata Duch. ex Poiret -Cucurbita maxima Duch. ex Lamk.

Nguồn gốc cây bí đỏ ở Bắc Mỹ, người ta tìm thấy ở Mexico các hạt bí đỏ có niên đại từ 7000 đến 5500 năm trước Công nguyên. Đây là loại quả lớn nhất thế giới.  Quả bí đỏ khổng lồ nặng 1.190kg do người Bỉ trồng, đạt kỷ lục Guinness thế giới năm 2016 tại Đức  (ở châu Âu có lễ hội Bí Ngô tổ chức tại Đức từ năm 2000). Quả bí đỏ còn là biểu tượng của lễ hội Halloween

Bí đỏ là cây trồng phổ biến ở nước ta từ miền núi đến trung du đồng bằng, để làm rau ăn:  lá bánh tẻ, ngọn lá non,  nụ hoa đực, quả xanh. Quả chín, và nhân hạt còn dùng làm thuốc.

– Bí đỏ là loại cây thảo sống 1 năm, mọc bò hay leo nhờ tua cuốn. Thân có lông dày, mềm. Lá mọc so le có cuống dài 10 – 20cm phiến lá hình tim chia thùy màu lục sẫm thường có đốm trắng, cả 2 mặt đều có lông mịn.  Cây có hoa đực và hoa cái mọc riêng ở kẽ lá,  Hoa đực có cuống dài và rỗng 10 – 15cm, hoa to, màu vàng. Hoa cái cuống ngắn và to dầy, bầu hình cầu chứa nhiều noãn, tràng hoa màu vàng.

Mùa hoa quả: Tùy theo loài có mùa hoa quả khác nhau.

– Cucurbita maxima Duch. ex Lam ra hoa kết quả quanh năm, quả to, năng xuất cao

– 2 loài còn lại: Ra hoa tháng 7 – 8,   có quả tháng 9 – 10.  Cucurbita moschata Duch. ex Poiret: có giống quả to hình cầu dẹt, có giống quả dài nhỏ (đít to đầu nhỏ) thịt dầy, ngọt. Hạt to mẩy rang ăn rất ngon được người dùng ưa chuộng .

Có tài liệu ghi là chỉ trồng được ở nơi có nhiệt độ không dưới 100C, nhưng thực tế người viết bài này đã đi công tác ở vùng nguời H’Mông(thường gọi là người Mèo) trên núi cao nhiệt độ mùa Đông dưới 100C. Năm 1963, đã ăn ngủ ở nhà dân huyện Bắc Yên và Mù Cang Chải, thấy nhà nào cũng có rất nhiều bí đỏ. Quả to để nuôi lợn và lấy hạt bán, quả nhỏ để người ăn. Ngày nay trên các siêu thị thấy bán nhiều bí đỏ quả nhỏ thịt dầy.

Thành phần hóa học: Tác dụng dược lý: – Lá bí đỏ bánh tẻ: Nước 86,5%, chất đạm: 3,8%, chất béo: 1,8%, chất xơ:1,9%. Các khoáng chất: Ca, Phospho, Mg, Fe. Các sinh tố: B1, B2, B3, C.

Đặc biệt bí đỏ có 3 Carotenoit quý như: (Điều tra hợp chất Carotenoit trong một số thực vật của VN  Hà thị Bích Ngọc và cộng sự thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).

– Beta caroten 35,868% (là tiền chất của vitamin A, được tích trữ ỏ gan, không bị đào thải khi thừa như vitamin A) có tác dụng chống mù lòa, chống lão hóa da, tăng miễn dịch, ngăn ung thư tiêu hóa.

– Lutein 23,%98% là dưỡng chất vàng có trong não và hoàng điểm của mắt, có tác dụng tăng khả năng học hỏi và ghi nhớ. Giảm nguy cơ bệnh tim mạch và mỡ máu cao, chống tác hại của ánh sáng mặt trời trên da, Lycopen 6,499% là chất chống oxy hóa cực mạnh, xóa vết nhăn, vết nám trên da, làm chậm ung thư (tuyến tiền liệt, thực quản, ruột kết). Hàm lượng carotenoit tính theo nguyên liệu khô kiệt,

– Quả bí đỏ già: Nước: 87,2%,  chất đạm: 1,4% , chất béo 0,5%, chất xơ 1,4%.  các khoáng chất: Fe, Mg, Cu, Zn.  Các sinh tố: B1, B2, C, E, K đặc biệt là sinh tố T trong phần ruột bí đỏ giúp ngăn ngừa béo phì và tiêu hóa các thức ăn khó tiêu. Có 2 carotenoit là:  Beta caroten 52,762% và Lutein 15,208%.

Theo các nhà khoa học Trung Quốc: thịt quả bí đỏ già có tác dụng kích thích cơ thể tiết insulin có tác dụng tốt cho người đái tháo đường (cả týp I và II).

– Hạt bí đỏ già: Nước 8%, chất đạm 28,1%, chất béo 33,5%, chất xơ 14,7%. Hạt khô:  Vỏ: 25 – 30%. Nhân: 70 – 75%. Trong nhân có dầu: 45 – 50%. Dầu gồm các glycerid của các acid béo không no (Oleic và Linoleic) Đặc biệt là chất 7-phytosterol (có nối đôi ở vị trí 7) có tác dụng giảm kích cỡ phì đại tuyến tiền liệt, giảm thể tích nước tiểu tồn đọng và số lần tiểu tiện đêm, giảm các triệu chứng đái khó, đái buốt.  Cucurbitin: 0,40 – 0,84% là một acid amin có tác dụng chống giun sán.

Công dụng:

– Rau bí đỏ (gồm ngọn non, hoa đực) là loại rau rẻ tiền nhưng có giá trị dinh dưỡng rất cao, món ăn chế biến từ rau bí đỏ thường là món rau sào. Muốn cơ thể hấp thu được 3 Carotenoit quý phải có dầu thực vật hoặc mỡ lợn (cách xào rau với dầu thực vật: cho 50ml nước vào chảo đun sôi rồi cho rau vào đảo đều, sau đó cho mắm, muối, gia vị và dầu ăn 20ml/150g rau).

– Thịt quả bí đỏ già: là loại quả rẻ tiền nhưng lại có nhiều giá trị, thường chế biến nhiều món ăn (hàng trăm thứ) như: Bí đỏ sào, bí đỏ + đậu xanh nấu cháo hoặc nấu chè, bí đỏ hầm móng giò, bí đỏ hầm hạt sen, sữa + bí đỏ…

Vừa là món ăn ngon, vừa đáp ứng nhu cầu phòng chống nhiều loại bệnh như: Chống trầm cảm lo âu, chống béo phì (không bỏ ruột bí), chống đái tháo đường (thêm củ mài), chống mỡ máu cao và cao huyết áp, chống táo bón, bổ thần kinh, bổ khí lực, điều hòa tỳ vị… Người Nhật coi bí đỏ là món ăn “Trường sinh bất lão”.

Hạt bí đỏ:  Là loại hạt có nhiều công dụng như: Hạt bí đỏ rang: Tiếp khách vào ngày tết, hội hè, họp mặt (người lớn và trẻ em đều thích ăn). Hạt bí đỏ ép dầu để chế thuốc điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt (đóng nang, tên thương mại là Popenen). Nhân hạt bí đỏ chữa giun sán: Trước đây khi các loại thuốc chữa giun sán còn ít thì hay dùng, khoảng 10 năm trở lại đây không thấy ai dùng vì phải chế nước sắc hạt cau để phối hợp chữa sán.(Hạt bí đỏ chỉ có tác dụng làm tê liệt khúc giữa và khúc đuôi con sán. Nước sắc hạt cau có tác dụng mạnh trên đầu sán và những khúc chưa thành thục).

DS. TRẦN XUÂN THUYẾT