0905 777 197

NGỘ ĐỘC CẤP PARAQUAT QUA ĐƯỜNG TIÊU HÓA

Ngày đăng 05-07-2019

I.Đại Cương

1.1. Khái niệm

– Paraquat là hóa chất trừ cỏ cực độc, thuộc nhóm hợp chất ammonium bậc 4 bipyridylium. Hiện nay ở nước ta có nhiều sản phẩm paraquat khác nhau như: Gramoxone 20 SL, Agamaxone 276 SL, Alfaxone 20 SL, BM – Agropac 25 SL, Camry 25 SL, Cỏ cháy 20 SL, Danaxone 20 SL, Forxone 20 Sl, Hagaxone 20 SL, Heroquat 278 SL, Nimaxone 20 SL, Paraxone 20 SL, Pesle 276 SL, Thảo tuyệt 20 SL, Tungmaxone 20 SL.

– Ngộ độc paraquat tử vong rất cao, tính chung có thể tới 70 – 90%. Chất độc được hấp thụ nhanh, đặc biệt có ái lực rất caovới phổi, gây tổn thương  phổi và xơ phổi tiến triển không hồi phục, nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Rất nhiều biện pháp điều trị  đã được nghiên cứu và áp dụng nhưng nói chung hiệu quả rất hạn chế trong việc cứu sống bệnh nhân.

– Trên thế giới, nhằm cố gắng làm giảm tỉ lệ tử vong, nhiều nước đã cấm sử dụng paraquat, các nước còn lại quản lý sử dụng paraquat rất chặt chẽ.

– Thái độ điều trị chung tỏ ra có hiệu quả nhất hiện nay là khẩn cấp tranh thủ trong những giờ đầu sau uống với việc đồng thời áp dụng các biện pháp tẩy độc, truyền dịch, lợi tiểu tích cực, lọc máu, sau đó kết hợp liệu pháp ức chế miễn dịch và điều trị triệu chứng.

1.2. Cơ chế bệnh sinh

1.2.1. Động học

1.2.1.1. Hấp thu

– Ở đường tiêu hóa paraquat được hấp thu rất nhanh nhưng ít (5-10%). Hấp thu chủ yếu ở ruột non. Khi dạ dày ruột bị tổn thương lan rộng, số lượng chất độc được hấp thu sẽ tăng lên. Paraquat không gắn với protein huyết tương. Nồng độ đỉnh của paraquat trong huyết tương đạt được trong vòng 2 giờ sau uống.

– Tiếp xúc qua da: hấp thu nói chung chỉ xảy ra khi tiếp xúc kéo dài hoặc da bị tổn thương.

– Tiếp xúc với paraquat qua đường hô hấp: Lượng paraquat được hấp thu không đáng kể để gây nhiễm độc, do kích thước các hạt chứa paraquat trong không khí lớn (hầu hết trên 5mm) không thể đi sâu xuống đường hô hấp.

– Tiếp xúc qua đường khác: gây tổn thương tại nơi tiếp xúc, nếu diện tiếp xúc lớn có thể gây ngộ độc.

1.2.1.2. Phân bố

– Ngoài mật, paraquat phân bố nhanh chóng nhất tới phổi, thận, gan, cơ. Thể tích phân bố của paraquat là 1,2 – 1,6 L/kg.

– Paraquat đạt nồng độ cao hơn và tồn tại lâu hơn trong phổi, nồng độ trong phổi có thể cao hơn so với nồng độ huyết tương gấp 50 lần. Sau uống 5-7 giờ nồng độ paraquat  trong tổ chức phổi đạt cao nhất khi chức năng thận bình thường. Paraquat được các tế bào tuýp I và II đón nhận mà không phụ thuộc bậc thang nồng độ. Hiện tượng này xảy ra theo cơ chế vận chuyển tích cực phụ thuộc ATP. Tuy nhiên, nồng độ paraquat trong huyết tương cần đạt đến một ngưỡng tới hạn để cho quá trình đón nhận ở phổi diễn ra.

– Paraquat qua được nhau thai.

1.2.1.3. Chuyển hóa và thải trừ

– Paraquat được đào thải hầu như hoàn toàn qua thận nhờ cả quá trình lọc của cầu thận và quá trình bài tiết tích cực của ống thận. Trong vòng 12-24 giờ sau uống, trên 90% paraquat được đào thải dưới dạng không đổi qua thận, nếu chức năng thận bình thường. Tuy nhiên có thể xét nghiệm thấy paraquat trong nước tiểu vài ngày sau do có sự tái phân bố paraquat từ các cơ quan. Nửa đời sống của paraquat có thể kéo dài 12-120 giờ hoặc lâu hơn khi có suy thận.

1.2.2. Bệnh sinh

– Paraquat trải qua chu trình ôxy hoá/khử cùng với NADPH và ôxy dẫn tới hình thành gốc superoxide (˙O2ě ). Paraquat hóa trị hai (PQ2+) bị NADPH khử thành các gốc tự do có hóa trị 1 (PQ1+) và sau đó trở về dạng ban đầu của chúng bằng việc cho ôxy một điện tử để hình thành gốc superoxide (hình)
– Trong giai đoạn đầu của chu trình này, PQ2+ bị NADPH bị khử thành PQ1+ và NADP+. PQ1+ phản ứng hầu như ngay lập tức kết hợp với ôxy tái tạo lại PQ2+ và gốc superoxide. Có sẵn NADPH và ôxy, chu trình ôxy hoá-khử của paraquat xảy ra liên tục, với việc NADPH liên tục bị mất đi và không ngừng tạo ra gốc superoxide. Gốc tự do superoxide sau đó phản ứng với nhau để tạo ra peroxide hydro (H2O2), và với H2O2 + sắt để tạo thành gốc tự do hydroxyl (ĚOH)
– Chu trình ôxy hoá-khử liên quan đến paraquat, ôxy, NADPH, sau đó tạo thành gốc tự do hydroxyl dẫn tới nhiều cơ chế làm tổn thương tế bào. Cạn kiệt NADPH dẫn tới chết tế bào. Các gốc tự do hydroxyl có độc tính cao và phản ứng với lipid trên màng tế bào, huỷ hoại lipid của màng tế bào (peroxide hoá lipid). DNA và các protein tối cần thiết cho tế bào sống sót cũng bị các gốc tự do hydroxyl phá huỷ. 
– Hậu quả lên tế bào do các gốc tự do (superoxide và các gốc tự do khác) là đối tượng của rất nhiều các tài liệu trong y học. Đã có rất nhiều nghiên cứu về điều trị nhằm vào việc thay đổi các gốc tự do bằng các chất như desferioxamine, superoxide dismutase, alpha-tocopherol và vitamin C cùng với bài niệu cưỡng bức. Tuy nhiên hiệu quả không rõ ràng.
– Cơ sở gây ra ngộ độc là sự tương tác giữa paraquat, NADPH và ôxy. Ở mức độ tế bào, ôxy là yếu tố tối cần thiết cho việc hình thành bệnh lý do paraquat. Đây là cơ sở cho việc hạn chế cung cấp ôxy trong việc điều trị ban đầu bệnh nhân ngộ độc paraquat.
– Paraquat có tính ăn mòn và gây tổn thương giống như kiềm khi tiếp xúc với da, mắt và các niêm mạc. Các cơ quan đích chủ yếu trong ngộ độc toàn thân paraquat là đường tiêu hoá, thận và phổi. Dạ dày ruột bị tổn thương nặng nề do tác dụng ăn mòn trực tiếp khi bệnh nhân uống paraquat có chủ ý với nồng độ cao. Thận là cơ quan đào thải paraquat và diquat và có nồng độ bipyridyl cao hơn so với các cơ quan khác.
– Riêng paraquat được phổi đón nhận tích cực nhờ quá trình phụ thuộc năng lượng.

1.2.3. Giải phẫu bệnh

– Sau khi tiếp xúc với paraquat, phổi trải qua một kiểu tổn thương 2 giai đoạn. Giai đoạn phá huỷ đặc trưng bởi huỷ hoại biểu mô phế nang do hậu quả của chu trình ôxy hoá khử. Sau đó là giai đoạn tăng sinh, được coi là kế tiếp của giai đoạn huỷ hoại, giai đoạn này gây huỷ hoại thêm. Trong giai đoạn 2, các tế bào biểu mô bình thường bị thay thế bởi tổ chức xơ, dẫn tới xơ phổi ồ ạt, thiếu ôxy và tử vong.
– Ở người, chuột, chó bị ngộ độc paraquat, mổ tử thi cho thấy phổi bị phù và xuất huyết, xuất huyết khoảng giữa các phế nang, xung huyết và xơ phổi. Tổn thương màng tế bào phế nang dẫn đến viêm phế nang, huỷ hoại tế bào phế nang, thâm nhập các tế bào xơ, sau đó phổi bị mất tính đàn hồi, hoạt động hô hấp bị giảm, trao đổi khí kém hiệu quả. Trên động vật bị ngộ độc, thường không thấy các tác dụng ngay lập tức, tuy nhiên trong vòng 10-14 ngày, bệnh nhân bị suy hô hấp, các thay đổi hình thái bao gồm thoái hoá và hình thành các không bào ở các phế bào, tổn thương với các tế bào biểu mô phế nang type I và II, huỷ hoại màng biểu mô, tăng sinh tế bào sợi. Gan bị hoại tử trung tâm tiểu thuỳ, thận bị hoại tử ống thận, cầu thận. Trọng lượng phổi của con vật tăng đáng kể nhưng cân nặng toàn thân của con vật lại bị giảm.

2. Triệu chứng lâm sàng

– Việc hỏi bệnh sử cần nhanh chóng nhưng nhất thiết vẫn phải đảm bảo đầy đủ. Chú ý chính xác tên của hoạt chất, của thương phẩm, các thành phần khác đồng thời có trong đó, liệu chất đó đã được pha loãng hay chưa, số lượng bệnh nhân uống, thời gian từ khi bệnh nhân uống, sự có mặt của thức ăn trong ruột và liệu bệnh nhân đã nôn tự nhiên hay chưa.
– Khám thực thể cẩn thận, bao gồm đánh giá các tổn thương với miệng, da hoặc các niêm mạc. Đánh giá màu sắc của chất nôn, màu xanh hay có máu và cần lưu lại để xét nghiệm.
– Các dấu hiệu tại chỗ sau khi tiếp xúc với paraquat 12-24 giờ có thể vẫn chưa đạt đỉnh điểm.

-Ngộ độc paraquat có thể được chia thành 3 bệnh cảnh lâm sàng tuỳ thuộc vào số lượng paraquat.
2.1. Ngộ độc nặng
– Uống ion paraquat với số lượng lớn hơn 40mg/kg dẫn tới suy đa phủ tạng tiến triển nhanh chóng (tương đương với một người 70kg nếu uống 14 ml dung dịch 20%). 
– Các triệu chứng sớm bao gồm tổn thương tại chỗ với đường tiêu hoá, bao gồm cả thực quản. Lúc đầu bỏng miệnh họng, hoại tử và bong niêm mạc miệng, họng, , viêm dạ dày ruột nặng với tổn thương thực quản, dạ dày. Bệnh nhân nôn nhiều, đau bụng, chảy máu đường tiêu hoá cũng như các triệu chứng toàn thân. Các biến chứng của giai đoạn sớm này gồm tràn khí màng tim, tràn khí trung thất và tràn khí màng phổi.
– Hô hấp: khó thở, ho, suy hô hấp tiến triển.
– Tổn thương thận bao gồm hoại tử ống thận, cầu thận, xuất hiện rõ sau 24 giờ, biểu hiện protein niệu, tế bào và trụ, tăng urê, creatinin máu, thiểu niệu, vô niệu. Trong một nghiên cứu, suy thận báo hiệu một tiên lượng xấu, 95 % (19/20) bệnh nhân có suy thận đã tử vong.
– Thượng thận/gan: giải phẫu bệnh thấy hoại tử vỏ thượng thận, tổn thương gan biểu hiện sớm với tăng bilirubin, AST, ALT, suy gan.
– Tim mạch: điện tim thay đổi từ nhịp nhanh xoang đến các loạn nhịp thất, suy tim.
– Thần kinh: Hôn mê, phù não, co giật, xuất huyết vỏ não, thân não.
– Máu: tăng bạch cầu, DIC. Giai đoạn sau, tuỷ xương bị ức chế biểu hiện bằng thiếu máu, giảm tiểu cầu và giảm bạch cầu.
– Bệnh nhân bị hoại tử cơ lan rộng, hoặc suy tuỵ, có thể tử vong trong thời gian tính bằng giờ tới tối đa là vài ngày, thường do sốc tim.
2.2. Ngộ độc trung bình
– Uống paraquat với số lượng từ 20-40mg/kg gây một bệnh cảnh âm thầm hơn. 
– Các triệu chứng tại chỗ da, nêm mạc tiến triển từ từ hơn.
– Phổi: Suy hô hấp tiến triển nặng dần. Lúc đầu, trong vòng vài ngày đầu phim xquang phổi bình thường, sau đó, sang giai đoạn tổn thương thứ 2, thâm nhiễm và mờ hai bên phổi 
– Tổn thương thận, suy thận tiến triển nặng dần và có thể dẫn tới tăng creatinin nhanh một cách khác thường không tương ứng với tăng urê máu (tỷ lệ BUN/creatinin thấp). Trong một trường hợp các tác giả quan sát thấy giá trị creatinin tăng cao bất thường khi so với giá trị urê máu và bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá trên (lẽ ra tăng cao urê chứ không phải creatinin), điều này giúp tác giả chẩn đoán ngộ độc paraquat mặc dù bệnh nhân phủ nhận việc uống paraquat. 
– Cuối cùng với các trường hợp bệnh nhân uống paraquat với số lượng trung bình, hiện tượng xơ phổi xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần. Đa số các bệnh nhân uống 20-40mg/kg ion paraquat sẽ tử vong.
2.3. Ngộ độc nhẹ
– Uống ion paraquat với số lượng dưới 20mg/kg không gây triệu chứng gì hoặc chỉ các triệu chứng nhẹ đường tiêu hoá. Tất cả các trường hợp như vậy sẽ hy vọng hồi phục hoàn toàn. Tác giả Bismuth coi liều dưới 30mg/kg là lành tính, 30-50mg/kg có thể gây ngộ độc trung bình và trên 55mg/kg là gây tử vong. 
– Mặc dù nguyên nhân của hầu hết các trường hợp bị ngộ độc nặng paraquat là tiếp xúc đường uống hoặc tiêm, nhưng mức độ ngộ độc nặng hoặc gây tử vong có thể do tiếp xúc các đường khác.
– Tiếp xúc qua da có thể dẫn tới tử vong khi tiếp xúc kéo dài hoặc theo cách khác thường với BHs dạng đậm đặc. Đã có các trường hợp tử vong do ngộ độc paraquat khi bệnh nhân bôi chất này lên râu và tóc để diệt trấy hoặc bôi toàn thân (trừ mặt) để chữa ghẻ. Có nhiều thống báo tử vong do ngộ độc paraquat khi người ta nhúng chất này đậm đặc lên quần áo và mặc trong thời gian kéo dài. Tiếp xúc với paraquat qua da với nồng độ loãng theo đúng hướng dẫn hoặc với dạng đậm đặc nhưng trong thời gian ngắn thì không gây ngộ độc toàn thân. Mắt tiếp xúc với paraquat đậm đặc sẽ bị tổn thương ăn mòn phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc và nồng độ.
– Ở California, cộng đồng dân cư tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm paraquat đã biểu hiện rất nhiều triệu chứng tại chỗ và một số triệu chứng toàn thân, bao gồm ho, ỉa chảy, đau đầu, mệt mỏi, chảy nước mũi, chảy nước mắt nhiều. Các triệu chứng này tăng đáng kể khi so với nhóm cộng đồng làm chứng. Tiếp xúc trong nghề nghiệp do bất cẩn có thể gây kích ứng niêm mạc, viêm kết mạc, giác mạc, chảy máu mũi và đau họng.
3. Cận lâm sàng
– Các xét nghiệm gián tiếp có thể giúp đánh giá bệnh nhân và tránh phải tiến hành các biện pháp xâm nhập và không hiệu quả ở những bệnh nhân không có hy vọng sống sót. Làm hàng loạt các xét nghiệm chức năng thận bao gồm creatinin máu, urê máu, điện giải máu giúp đánh giá mức độ nặng và tiến triển của tổn thương ống thận. Sự có mặt của hoại tử ống thận cấp là môt dấu hiệu xấu trong bệnh cảnh ngộ độc các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl. Cần chụp phim xquang phổi ban đầu cho tất cả các bệnh nhân ngộ độc paraquat để giúp đánh giá, theo dõi sau này.
– Xét nghiệm độc chất nhanh: sự có mặt của paraquat có thể được xác định nhanh chóng bằng xét nghiệm định tính nước tiểu có dùng kiềm/ natri dithionite. Xét nghiệm này được dùng chủ yếu để chẩn đoán loại trừ tiếp xúc của bệnh nhân. Xét nghiệm này được tiến hành bằng cách thêm 10ml nước tiểu vào 2ml dung dịch natri dithionite 1% trong NaOH 1N. Khi có màu xanh da trời xuất hiện cho thấy có paraquat trong khi diquat cho màu xanh nõn chuối (yellow-green). Nguyên lý của xét nghiệm là thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl bị khử thành gốc ion dương, gây nên sự thay đổi màu của nước tiểu. Thời gian xét nghiệm chỉ tốn 5 phút. Với chức năng thận bình thường, xét nghiệm này có thể phát hiện được paraquat trong nước tiểu trong vòng 24 giờ, nếu suy thận, trong vài ngày sau uống vẫn có thể tìm thấy. Nếu trong vòng 4-6 giờ sau tiếp xúc, xét nghiệm âm tính sẽ cho thấy lượng paraquat được hấp thu không đủ để gây tổn thương phổi trong những ngày sau. Nếu xét nghiệm dương tính, có thể làm tiếp xét nghiệm định lượng nồng độ paraquat trong máu để giúp tiên lượng.
– Sắc ký lỏng cao áp: độ nhạy cao.
– Miễn dịch phóng xạ: nhanh chóng thường được sử dụng nhất. 
Các phương pháp đo màu (colourmetric), sắc ký khí: không nhanh chóng, thường dành cho nghiên cứu.

– Đánh giá tiên lượng:
+ Xét nghiệm định lượng các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl hiếm khi có được trong hoàn cảnh lâm sàng, chỉ có ở một vài labo chuẩn mực. Các xét nghiệm độc chất có thể được dùng để khẳng định bệnh nhân đã tiếp xúc và trong trường hợp ngộ độc paraquat để ước tính tiên lượng. Nếu thời gian bệnh nhân uống paraquat được xác định thì với nồng độ trong máu và đồ thị Hart có thể ước tính khả năng bệnh nhân tử vong (hình vẽ).
+ Đồ thị ước tính khả năng sống sót của bệnh nhân (%) dựa trên đường cong xác xuất được xác định bởi nồng độ paraquat đo được ở từng thời điểm cụ thể sau uống.
+ Nồng độ các thuốc trừ cỏ nhóm bipyridyl không cho thấy sự cần thiết để điều trị can thiệp đặc hiệu như trường hợp đồ thị acetaminophen, do đó thời gian không mang tính thúc bách trong việc có được kết quả. Nồng độ ở đây giúp dự báo mức độ nặng và khả năng tử vong.


4. Chẩn đoán

– Bệnh nhân uống hóa chất trừ cỏ, chất nôn có màu xanh, lọ dung dịch màu xanh lam được chứa trong lọ bằng nhựa. Khẳng định nếu tên hoạt chất là paraquat.

– Trong những giờ đầu đau rát miệng họng, dọc sau xương ức và thượng vị. Viêm, loét, trợt miệng, họng, thực quản xuất hiện sau nhiều giờ.

– Suy hô hấp: cấp tính tiến triển ngay trong vài ngày đầu (tổn thương phổi, tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất) hoặc khởi phát sau hàng tuần và nặng dần sau đó (xơ phổi). Đánh giá bằng SpO2, khí máu động mạch, Xquang phổi, chụp cắt lớp phổi, thăm dò chức năng hô hấp.

– Có thể có tụt huyết áp, suy tim cấp (tối cấp) hoặc suy thận (xảy ra sớm trong ngày đầu), viêm gan sau vài ngày. (Xét nghiệm). Xét nghiệm công thức máu, ure, creatinin, bilirubin, điện giải, AST, ALT, khí máu động mạch, tổng phân tích nước tiểu.

– Xét nghiệm paraquat định tính (test nhanh), giúp chẩn đoán xác định: dịch dạ dày, mẫu hóa chất hoặc nước tiểu (có thể âm tính sau uống 24 giờ nếu thận không suy):

+ 10ml mẫu độc chất nghi ngờ được kiềm hóa bằng NaHCO3để đạt pH 8 – 9, sau đó cho bột natri dithionit vào, nước tiểu nếu có paraquat sẽ chuyển snag màu xanh lam (xanh dương, xanh da trời). Có thể thấy paraquat niệu dương tính nếu lấy nước tiểu trong vòng 24 giờ sau uống với chức năng thận bình thường. Nếu suy thận, xét nghiệm có thể dương tính tới vài ngày sau.

– Định lượng paraquat trong máu (nếu có điều kiện): lấy máu trong vòng 24 giờ sau uống, giúp tiên lượng khả năng sống sót.

viện): pha nước uống ngay.

5. Chẩn đoán phân biệt

– Uống các chất ăn mòn khác: ví dị uống acid, kiềm khác, thuốc trừ cỏ glyphosat, diquat (mẫu hóa chất không có đặc điểm nhận dạng như trên, có tổn thương niêm mạc nhưng không xơ phổi).

6. Điều trị

– Các biện pháp tẩy độc và tăng thải độc phải thực hiện đồng thời càng sớm càng tốt, không để biện pháp này ảnh hưởng đến biện pháp khác.

6.1. Hạn chế hấp thu độc chất

– Gây nôn: trong vòng 1 giờ đầu.

– Rửa dạ dày: trong vòng 6 giờ đầu, rửa tới khi nước hết màu xanh lam.

– Hấp phụ chất độc (trong 6 giờ đầu), uống một trong 3 thuốc sau (ưu tiên theo thứ tự).

+ Than hoạt: 1g/kg/lần, dùng 3 lần, 2 giờ/lần và sorbitol liều gấp đôi.

+ Fuller’s earth: người lớn 100 -150g, trẻ em 2g/kg, pha tỉ lệ 1 phần thuốc + 2 phần nước theo trọng lượng.

+ Đất sét, đất thịt hoặc đất thường (nếu ở xa bệnh

6.2. Tăng thải trừ chất độc

– Bài niệu tích cực, đảm bảo 200ml/giờ: làm trong 24 giờ đầu, tiếp tục nếu paraquat niệu còn dương tính.

– Lọc máu (nếu có điều kiện): thực hiện trong vòng 24 giờ đầu, cân nhắc nếu sau 24 giờ paraquat niệu còn dương tính:

+ Lọc máu hấp phụ (cột than hoạt), nhắc lại mỗi 12-24 giờ cho đến khi parauquat niệu âm tính.

– Nếu chỉ có HD, có thể thực hiện trong 4 giờ đầu sau nhiễm độc.

6.3.  Liệu pháp ức chế miễn dịch

– Methylprednisolon: 15mg/kg/ngày (pha với 200ml glucose 5%, truyền TM 2 giờ), trong 3 ngày).

– Cyclophosphamid: 15mg/kg/ngày (pha với 200ml glucose 5%, Truyền TM 2 giờ), trong 2 ngày.

– Sau đó: dexamethason 8mg/lần x 3 lần/ngày, trong 14 ngày, tiêm TM, sau giảm dần liều và ngừng.

– Nếu PaO2 < 60mmHg: dùng lại ngay methylprednisolon như trên, nhắc lại cyclophosphamid liều như trên trong 1 ngày (chỉ nhắc lại thuốc này nếu lần dùng trước cách xa trên 14 ngày và bạch cầu > 3G/l).

6.4.  Các thuốc chống oxy hóa (tùy điều kiện, nếu có).

– N-acetylystein tĩnh mạch: 150mg/kg, pha với 500ml glucose 5%, truyền TM trong 3 giờ sau lần lọc máu đầu tiên, sau đó 300mg/kg, pha 500ml glucose 5%, truyền 21ml/giờ trong 3 tuần.

– Vitamin E: 300mg x 2 lần/ngày, uống.

– Deferioxamin (Desferan, dùng sau lần lọc máu đầu tiên): 100mg/kg, pha với 500ml glucose 5%, truyền TM 21ml/giờ, dùng 1 ngày.

6.5.  Điều trị hỗ trợ

– Chỉ cung cấp thêm oxy nếu PaO­2 < 40mmHg  hoặc SpO2 < 80%.

– Bọc niêm mạc tiêu hóa

– Giảm tiết dịch vị: dùng đường tĩnh mạch.

– Giảm đau tốt, có thể dùng chế phẩm opiat.

– Dinh dưỡng đường tĩnh mạch, nên bao gồm dung dịch lipid.

– Giải thích cho gia đình bệnh nhân: cần giải thích để hợp tác khi có cơ hội điều trị và hiểu được tiên lượng của ngộ độc.

7. Theo dõi và tiên lượng

– Lưu ý: trong vài ngày đầu bệnh nhân có thể vẫn bình thường, suy hô hấp thường xuất hiện sau đó.

– Chụp Xquang phổi hàng ngày, chụp cắt lớp phổi 1 tuần/lần.

– Xét nghiệm khí máu, chức năng gan, thận hàng ngày.

– Thăm dò chức năng hô hấp khi ổn định và 1 – 2 tuần/lần.

– Hẹn khám lại định kì.

8. Phòng bệnh

– Tốt nhất là không sử dụng paraquat làm hóa chất trừ cỏ.

– Khi còn sử dụng hóa chất này: chỉ được dùng loại dung dịch ≤ 5%, không lưu hành loại nồng độ cao hơn trong cộng đồng.